Mông Cổ được biết đến là vùng đất của thảo nguyên bạt ngàn. Nơi đây, cuộc sống của người dân gắn liền với nền văn hoá gốc du mục. Vì vậy đây thực sự là một điểm đến khó có thể bỏ qua cho những ai thích các hoạt động trải nghiệm như cưỡi ngựa trên các thảo nguyên xanh hay bắn cung…
Những điều cần biết về Mông Cổ trước khi đặt chân đến đây
Địa lý
Mông cổ có diện tích 1.564.116 kilômét vuông – là đất nước rộng thứ 19 thế giới. Hầu hết lãnh thổ Mông Cổ là các thảo nguyên. Ngoài ra phía Bắc và phía Tây là các núi hay sa mạc Gobil ở phía Nam.
Khí hậu
Thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt, nóng vào mùa hè và rất lạnh vào mùa đông, nhiệt độ có thể xuống dưới -30 độ C.
Mông Cổ là một quốc gia nằm ở trên cao vì thế rất lạnh và nhiều gió. Ulaanbaatar là thủ đô có nhiệt độ trung bình thấp nhất trên thế giới. Đất nước này có mùa hè ngắn, mưa chủ yếu tập trung vào mùa hè và mùa đông lạnh kéo dài. Quốc gia này trung bình có 257 ngày không mây mỗi năm, và thường ở trung tâm của một vùng có áp lực khí quyển cao.
Hệ sinh thái
Hệ sinh thái chính ở đây là đồng bằng lớn với những thảo nguyên bao la và gắn liền với những đàn thú móng guốc sinh sống như ngựa hay linh dương. Ngoài ra, gia súc cũng chiếm số lượng lớn.
Hệ sinh vật và động vật Mông Cổ cũng rất đa dạng với 138 loài động vật có vú, 449 loài chim, 75 loài cá cũng như các loài động vật lưỡng cư và bò sát. Có 30 loài động vật có vú và phân loài được đưa vào loại hiếm và rất hiếm của “Sách đỏ Mông Cổ”. Mặc dù Mông Cổ hiện có 30 loài động vật có vú đặc trưng, nhưng chỉ có năm loại phổ biến là ngựa, dê, cừu, bò và lạc đà.
Phân chia hành chính
Mông Cổ được chia thành 21 tỉnh, sau đó các tỉnh được chia tiếp thành 315 huyện. Thủ đô Ulaanbaatar được quản lý hành chính riêng biệt như một khu đô thị.
Tiền tệ
Tugrik, ký hiệu MNT, là đơn vị tiền tệ chính thức của Mông Cổ được đưa vào sử dụng từ ngày 09/12/1925. Giá trị của đồng này được tính là bằng 1 Ruble Liên Xô và bằng 18 gam bạc. Một Tugrik sẽ được chia thành 100 Möngö.
Hiện nay, tại Mông Cổ đang lưu thông 5 mệnh giá tiền kim loại và 14 mệnh giá tiền giấy. Trong đó, 1 MNT xấp xỉ bằng 9 VNĐ.
Ngôn ngữ
Ngôn ngữ chính thức của Mông Cổ là tiếng Mông Cổ Khalkha, viết bằng bảng chữ cái Kirin và được 90% dân số sử dụng, kể cả khu tự trị nội Mông Cổ. Ngoài ra, còn nhiều phương ngữ khác như: những vùng phía Tây là tiếng Kazakh và tiếng Tuva; những người sống gần dãy núi Altai sử dụng tiếng Turk, Tungus. Bên cạnh đó, tiếng Nga và tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở đây.
Kinh nghiệm du lịch Mông Cổ
Sân bay và máy bay
Chúng ta có thể xuất phát từ 3 thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Qua một đến hai điểm quá cảnh, chúng ta sẽ đến với Mông Cổ tại sân bay Quốc tế Thành Cát Tư Hãn – sân bay lớn nhất và cũng là sân bay quốc tế duy nhất ở Mông Cổ.
Một số hãng bay nhất định đến và đi từ Ulaanbaatar như hãng hàng không quốc gia MIAT Mongolian Airlines, Eznis Airways và Aero Mongolia. Bên cạnh đó, tại sân bay này còn có một số hãng hoạt động như Korean Air, Japan Airlines, Air China…
Thời gian thích hợp để đi du lịch Mông Cổ
Là một quốc gia có khí hậu khá khắc nghiệt. Thời tiết ở đây vào mùa đông thường rất lạnh, có tuyết rơi và mưa lớn. Ngược lại, vào mùa hè lại rất nóng. Vì vậy, việc lựa chọn thời điểm thích hợp để đến quốc gia này cũng là một điều cần chú trọng. Thời điểm thích hợp nhất để đến với Mông Cổ là từ tháng 6 đến tháng 8 vì thời điểm này thời tiết khá dễ chịu. Ngoài ra tháng 7 cũng là thời gian diễn ra lễ hội Naadam – lễ hội lớn nhất của Mông Cổ. Đây là cơ hội để khách du lịch có thể trải nghiệm được những đặc trưng văn hoá truyền thống của Mông Cổ.
Những địa điểm nên đến
Đến Mông Cổ bạn hãy cố sắp xếp thời gian để ghé thăm các địa điểm nổi bật như: Thủ đô Ulaanbaatar – được mệnh danh là thủ đô lạnh nhất của thế giới; Công viên quốc gia Gorkhi-Terelj, nơi đây bạn có thể trải nghiệm những hoạt động vui chơi ngoài trời ở chốn thảo nguyên như cưỡi ngựa hay picnic; Sa mạc Gobil – Đây là sa mạc lớn nhất của Châu Á với diện tích nằm trên lãnh thổ của hai quốc gia là Trung Quốc và Mông Cổ;…
Những món ăn nên thưởng thức
Du lịch Mông Cổ, bạn đừng quên thưởng thức các các món ăn đặc trưng được làm từ thịt bò, thịt dê, thịt ngựa, thịt cừu… như: Buuz, nó giống như bánh bao hấp với vỏ được làm từ bột mì và nhân là thịt cừu băm nhuyễn; Khorkhog là món ăn từ thịt cừu và rau củ, thường được dùng để tiếp đãi khách đến nhà để tỏ lòng; Một món ăn được cho là đặc sản của vương qu ốc này đó là Boodog, với nguyên liệu chính là thịt dê, sau khi đã rút xương và ruột sẽ cho đá nóng vào để làm chín nó; Là một loại rượu lên men từ sữa ngựa, Airag là một món vô cùng nổi tiếng của nền ẩm thực Mông Cổ;…
Hồ sơ xin visa gồm những gì?
Chứng minh nhân thân
– Hộ chiếu bản gốc còn hạn ít nhất 6 tháng, còn trang trắng (Để dán visa).
– Đơn xin visa Mông Cổ theo mẫu của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mông Cổ cấp (Tuỳ theo mục đích của bạn đến Mông Cổ là gì để xin mẫu phù hợp).
– 2 ảnh 3×4 cm với phông nền trắng, chụp không quá 3 tháng gần đây.
– Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.
– Giấy đăng ký kết hôn/ly hôn (nếu có) hoặc giấy xác nhận độc thân.
– Sổ hộ khẩu.
– Sơ yếu lý lịch bản thân có xác nhận của cơ quan thẩm quyền địa phương.
– Thư mời (Cách dễ nhất là có người quen ở Mông Cổ. Trường hợp không có, bạn có thể đặt tour du lịch nội địa của Mông Cổ khi đó các công ty du lịch đó sẽ gửi thư mời cho bạn. Trường hợp bạn không đặt tour nhưng bạn vẫn có thể đến các công ty du lịch để nhờ làm thư mời với phí khoảng 30 đến 50 USD).
Chứng minh nghề nghiệp
– Đối với chủ doanh nghiệp:
+ Giấy xác nhận đăng ký kinh doanh.
+ Giấy đăng ký thuế hoặc biên lai nộp thuế trong 3 tháng gần nhất.
– Đối với nhân viên hoặc viên chức hoặc giáo viên hoặc người làm công ăn lương:
+ Hợp đồng lao động.
+ Sao kê lương 3 tháng gần nhất.
+ Đơn xin nghỉ phép để đi du lịch hoặc thăm thân nhân hoặc quyết định đi công tác của cơ quan.
– Đối với hưu trí:
+ Giấy xác nhận nghỉ hưu hoặc lương hữu có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
– Đối với học sinh hoặc sinh vên:
+ Cần có người bảo lãnh hoặc chứng mình tài chính của bố mẹ (hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng).
Chứng minh tài chính
– Sổ tiết kiệm trên 5.000$.
– Giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản: Nhà cửa hoặc ô tô hoặc chứng khoán…
Lịch trình du lịch
– Vé máy bay khứ hồi.
– Giấy xác nhận đặt phòng tại Mông Cổ hoặc địa chỉ nhà người thân tại Mông Cổ.
– Bảo hiểm chuyến bay.
– Bảng lịch trình cụ thể (Tăng khả năng đậu visa).
Một số lưu ý
Những lưu ý cần biết khi xin visa Mông Cổ
– Mọi thông tin trong hồ sơ phải thật chính xác.
– Giấy tờ phải được dịch sang Tiếng Anh rồi mới photo công chứng.
– Lệ phí thanh toán bằng tiền USD.
– Có thể nộp hồ sơ bằng hình thức online. Nhưng lưu ý sẽ bị giới hạn dung lượng.
– Hồ sơ xin visa du lịch Mông Cổ sẽ được Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mông Cổ tại Việt Nam uỷ quyền cho trung tâm tiếp nhận thị thực Mông Cổ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Kinh nghiệm khi đi xin visa du lịch Mông Cổ
– Chuẩn bị đầy đủ và chính xác mọi giấy tờ đã nêu ở phần thủ tục trên.
– Chứng minh được tài chính và ràng buộc chắc chắn sẽ về Việt Nam ngay khi hết visa.
– Nếu đại sứ quán gọi bạn đến phỏng vấn, nên bình tĩnh trả lời các câu hỏi 1 cách ngắn gọn, đầy đủ thông tin.
– Ăn mặc lịch sự, thể hiện sự tôn trọng với người phỏng vấn.
Hồ sơ xin visa Mông Cổ cũng không quá phức tạp và với bài viết trên chúng tôi hy vọng sẽ giúp bạn sớm có những trải nghiệm đáng nhớ ở vùng đất này!